CẢM ƠN – ÂN TÌNH NGHĨA TRUNG – BÀI VIẾT TRI ÂN MẠNH THƯỜNG QUÂN

0
447

Nghĩa Trung – mảnh đất sinh ra những con người nghĩa tình, trung hậu như cái tên của mình. Mỗi người con xa quê hương Nghĩa Trung đều ấp ủ trong mình những giấc mơ, hoài bão. Sinh viên chúng tôi cũng vậy, rời khỏi mái trường , xa gia đình, xa quê hương vào Sài Gòn học tập – cái nơi gọi là ‘chân trời mới’ mà cấp ba chúng tôi hay nhắc để viết tiếp ước mơ trên giảng đường. Những ngày đầu mới vào Sài Gòn là khoảng thời gian khó khăn đối với một đứa sinh viên năm nhất có biết bao thứ phải lo toan, suy nghĩ. Nhưng sau đó qua tìm hiểu và được bạn bè giới thiệu, tôi biết đến chương trình Học bổng cựu sinh Nghĩa Trung tại TPHCM – một hoạt động thường niên của Ban liên lạc cựu học sinh Nghĩa Trung tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Đến hẹn lại lên Ngày hội Nghĩa Trung lại được tổ chức như một điểm hẹn để kết nối, gặp gỡ và gắn bó những người con xa quê. Ngoài mục đích chính là trao học bổng cho con em Nghĩa Trung là sinh viên có thành tích học tập xuất sắc tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thì còn nhiều hoạt động bổ ích như giao lưu đá bóng, hội thi văn nghệ,…Được tổ chức và duy trì gần một thâp kỷ qua không thể không kể đến công lao các quý mạnh thường quân cùng các anh chị đã sát cánh đồng hành cùng Ban liên lạc cũng như tài trợ các chương trình làm nên tên tuổi của chương trình.Người đặc biệt nhất trong các quý mạnh thường quân có lẽ là bác Bùi Tá Ba (tôi xin phép được gọi bác là bác Ba) – một trong số những con người tiên phong đã đặt những viên gạch nền móng đầu tiên cho tổ chức. Bác Ba là người con lớn lên từ vùng quê nghèo Nghĩa Trung , cái thời mà ăn cũng không đủ no chứ chả dám nhắc đến chuyện học hành. Ngày xưa bác từng mơ ước có một cuộc sống tốt hơn và bằng con đường học vấn ít người chọn khi ấy bác Ba biến ước mơ của mình thành hiện thực. Để có được ngày hôm nay bác đã trải qua biết bao gian nan, vất vả, vươn lên trong học tập và đạt nhiều thành tích và giờ đang là chủ tịch hội đồng quản trị Công ty xây dựng Phú Sỹ – một trong số doanh nghiệp uy tín hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng tại TP HCM. Bởi vậy, thành công là một cuộc hành trình, không phải ngẫu nhiên hay định mệnh.

Với tư cách là một sinh viên vinh hạnh được nhận học bổng của bác, tôi xin gửi lời tri ân chân thành đến tấm lòng nhân ái của bác Ba và quý mạnh thường quân khác, tuy công việc bận rộn là thế nhưng vẫn trích thời gian quý báu để quan tâm, sẻ chia và dành cho chúng tôi những món quà ý nghĩa. Khoản tài trợ này có lẽ đối với một số người không đáng là bao nhưng đối với ba mẹ tôi đó là vài ba tạ lúa chắt chiu sau 3 tháng bán mặt cho đất bán lưng cho trời, đó là cả tháng dành dụm làm nhân viên part time của tôi. Đây không chỉ là động lực vật chất để trang trải cuộc sống nơi thành phố bon chen này mà còn là một niềm an ủi lớn lao về tinh thần đối với một người con xa quê và hơn hết là một động lực không nhỏ để giúp tôi cũng như bao bạn sinh viên Nghĩa Trung khác thực hiện ước mơ và nỗ lực cố gắng để không phụ lòng của bác Ba. Người Việt Nam ở đâu cũng vậy, luôn hướng về quê hương, “lá rụng về cội” sẽ tìm cách đóng góp cho quê mình nhưng thử hỏi Nghĩa Trung có biết bao con người thành công nhưng mấy ai làm được như bác Bùi Tá Ba? Có lẽ sự từng trải của mình, nếm đủ những hỉ nộ ái ố của cuộc đời đã làm bác Ba phần nào thấy hiểu và đồng cảm với thế hệ con em, muốn giúp đỡ chúng tôi phần nào những khó khăn trong cuộc đời sinh viên cũng như giúp quê hương Nghĩa Trung ngày một đi lên.

Để chương trình có được thành công như ngày hôm nay, tôi không quên nhắn lời cảm ơn đến công lao to lớn những con người thầm lặng như anh Sơn, chị Vy, anh Trưng, anh Kế,… trong ban tổ chức. Những ‘mạnh thường quân’ âm thầm với công việc quan trọng là công tác truyền thông kêu gọi mạnh thường quân hay liên hệ gắn kết những đồng hương Nghĩa Trung tại đất Sài Gòn lại với nhau, lên ý tưởng cho những hoạt động của chương trình ngày càng mới mẻ, thu hút mọi người tham gia. Và một điều thật đáng quý thay, kể trên đây đều là những người con Nghĩa Trung mà ba, bốn hay thậm chí mười năm trước đây họ đã từng nhận sự giúp đỡ từ bác Ba cũng như Ban liên lạc cựu học sinh Nghĩa Trung tại TP.HCM.
Mỗi người con Nghĩa Trung nhận được học bổng phải tự giác mang lên mình trách nhiệm cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt để không phụ tấm lòng của những người đã âm thầm giúp đỡ mình. Tôi không chắc rằng mình sẽ thành công nhưng tôi hứa sẽ nỗ lực hết mình trong những năm sắp tới. Sau này khi đã trưởng thành, tôi hi vọng mình và các bạn quay lại nơi đây, đóng góp một chút gì đó gọi là tấm lòng để tạo nguồn động lực tiếp tục chương trình cho những năm sau, năm sau nữa cũng như làm gương cho thế hệ đàn em. Hi vọng sau mỗi năm danh sách mạnh thường quân đóng góp, giúp đỡ cho chương trình sẽ dài thêm, và mong rằng đó sẽ là những cái tên quen thuộc đã từng nằm trong danh sách nhận học bổng của vài năm trước. Mọi việc làm đều có mục đích của nó, không phải ngẫu nhiên mà ai đó giúp mình, ở đây cũng vậy, mọi thứ đều hướng tới một mục đích cao cả là xây dựng một thế hệ trẻ Nghĩa Trung năng động, tài giỏi, tiếp bước những nghĩa cử cao đẹp mà thế hệ đi trước gửi gắm lại.

Không chỉ dừng lại ở phạm vi những người con xa quê, tại quê nhà Nghĩa Trung bác Ba cũng để lại nhiều dấu ấn khó phai trong lòng dân quê đó là những học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó ở quê, xây dựng các công trình điển hình là Công viên văn hóa An Hà 3 được gọi với cái tên thân thương là “Công viên Bùi Tá Ba” là một sân chơi giải trí tuyệt vời cho trẻ em cũng như người lớn trong vùng, đó là những lon sữa, hộp bánh hay những chiếc áo ấm cho các cụ già trước mỗi đợt Xuân về, đó là những con đường bê tông thay cho đất đỏ lầy lội mỗi mùa mưa ghé qua. Một lần nữa tôi thay mặt toàn thể những người dân Nghĩa Trung gửi lời cảm ơn chân thành từ trái tim đến bác Bùi Tá Ba, những nghĩa cử cao đẹp của bác đã làm lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội, bơm một liều vitamin tích cực động viên tinh thần người dân quê hương.

Tôi chúc cho bác Bùi Tá Ba cùng quý mạnh thường quân, các anh chị ban tổ chức thật nhiều sức khỏe, ngày càng thành công trong công việc, cuộc sống ổn định để có thể đóng góp thêm thật nhiều điều ý nghĩa cho quê hương Nghĩa Trung xinh đẹp. Chúc Ban liên lạc cựu học sinh Nghĩa Trung tại TP.HCM và các vùng lân cận cũng như Học bổng cựu học sinh Nghĩa Trung tại TP.HCM ngày càng được mở rộng qui mô, xích nhiều đồng hương Nghĩa Trung lại với nhau hơn, xóa đi những khoảng cách, những cảm giác cô đơn lạc lõng nơi Sài Thành xô bồ, tạo nên không gian thân thuộc tràn ngập tiếng cười, giọng nói Quảng Ngãi thân thường mà có thể lâu rồi ai đó chưa được nghe.

Dẫu biết cảm ơn không bao nhiêu là đủ nhưng tôi vẫn muốn nói ra, vì khi nhận được những lời cảm ơn chí ít chúng ta đều cảm thấy vui vẻ vì đã làm những việc có ích cho cuộc đời này. Lời cảm ơn cũng nâng cao giá trị của người nói ra nó, hai tiếng ‘cảm ơn’ là cách rẻ nhất để đáp lại ân huệ của người khác dành cho mình và cũng khá đắt đỏ với những kẻ bất nghĩa chẳng bao giờ thốt ra được hai tiếng ‘cảm ơn’ tưởng chừng đơn giản như thế. Đôi lúc ánh sáng trong cuộc đời ta lịm tắt và được nhen nhóm lại bởi một tia lửa của ai đó, thì chúng ta luôn nhớ đến những người đã đốt lên ngọn lửa ấy với một lòng biết ơn sâu sắc. Những lời cảm ơn chân thành này là một món quá nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa đến từ sâu trong trái tim gửi đến bác Bùi Tá Ba, quý mạnh thường quân và các anh chị, các bạn sinh viên đã đồng hành cùng Học bổng cựu học sinh Nghĩa Trung tại TP.HCM.

Lời cuối cùng tôi xin cảm ơn, cảm ơn vì tất cả!

Trần Thị Thủy Tuyên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận!
Please enter your name here