Mỗi độ chập đông, khi những cơn mưa bất chợt chốn Sài Thành đã trải dài cả tháng trời, ngấm ướt bao bờ vai, bao nẻo đường phố thị phồn hoa, đó cũng chính là lúc gợi nhắc đến cái hẹn thường niên trong lòng mỗi người con đất Quảng- Hẹn ước mùa xuân, có tên…và có lẫn tuổi…
Một cô gái sắp sang tuổi thứ chín, nhưng bước đi đã không còn chập chững, đã trổ mã và xinh đẹp như một Nàng thơ. Chắc hẳn tận sâu trong “Nàng” luôn giữ lòng trân quí và kính yêu hết mực đối với bậc sinh thành- những con người thầm lặng mang cho Nàng hình hài khiến bao kẻ ngợi khen. Và hôm nay, Nàng lại lần nữa bước vào những câu từ, câu chữ của tôi… Cùng với những con người ấy…
Nàng xinh đẹp như vậy, là niềm tự hào của mỗi đứa con Nghĩa Trung xa quê và không ngoại lệ bất cứ ai. Bởi Nàng được những “Bà Mụ” khéo nặn cho hình hài xinh đẹp từ buổi ban sơ, những “Bà Đỡ” khéo tay cho nàng cất tiếng khóc dòn giã khi lần đầu đến với thế giới,hay những “Bà Vú” với dòng sữa ngọt ngào, mát lành cho Nàng đủ cứng cáp với những bước chập chững đầu đời,… Và hơn hết, Nàng được những “Ba nuôi”, “Mẹ nuôi” che chở, nuôi lớn trong một môi trường ấm áp, đầy tình thương,…
Tên của Nàng là “Học Bổng xã Nghĩa Trung”. Nàng không có họ, vì mỗi lẽ Nàng có trăm “Bố”, trăm “mẹ” cùng nhau nuôi lớn và dõi theo Nàng. Gia đình Nàng còn có rất nhiều anh em. Người anh em “Hội khuyến học xã Nghĩa Trung” là anh em song sinh với Nàng, sinh vào tháng 7 năm 2009 với học bổng “Tiếp sức đến trường” đã dìu chân biết bao thế hệ vững bước đến trường từ ngay những ngày mới thành lập. Một đứa em mới được sinh ra nhưng cũng không kém cạnh gì đàn anh là quỹ “Khởi sự kinh doanh” với sự hỗ trợ những ý tưởng kinh doanh của những người có hoài bão,… Vậy đấy, gia đình này tài hoa trên nhiều mặt trận, đủ để ta hình dung được những người nuôi nấng đã chăm chút đến nhường nào.
Thật ra họ cũng chỉ là những con người rất đỗi bình thường như chúng ta, từng là cô cậu học trò chân lấm tay bùn, những người khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, chịu đựng biết bao chai sần của cuộc đời. Có khi cuộc sống với họ còn khó khăn hơn chúng ta tưởng nhiều bởi chúng ta được sinh ra định sẵn là thế hệ của giải phóng, thế hệ của những ngày không còn sống trong đạn bom đói khát,… Thành công và thất bại chắc hẳn đã đan xen trong đời họ đến nay không đếm hết số lần, để rồi ngày nay, sống trên bàn thạch, trên những cố gắng ngày trước, họ lại nhớ về những thế hệ sau, những thế hệ non nớt, lơ ngơ giữa đời. Giống như ngày xưa ấy…
Quẹt 1 que diêm, châm ngòi cho bó đuốc, cầm đuốc băng đến chảo dầu, người vận động viên thắp lên ngọn lửa mùa olympic. Ngọn lửa rực cháy xuyên suốt mùa olympic, là linh hồn của cả thế vận hội. Lửa cháy trên chảo, hay cháy cả trong lòng mọi người… Những người đi đầu từ những buổi họp mặt bàn trà giản đơn đã cùng nhau trải tâm tư,ước muốn để rồi đốt lên que diêm đâu tiên, châm ngòi cho ngọn đuốc. Từ đó đến nay bao thế hệ, bao lớp người nối tiếp nhau đưa ngọn đuốc đến đài cao nhất, thắp lên ngọn lửa tình người, lan rộng ấm áp… Ngày nay, thế hệ nối tiếp thế hệ, cùng nhau giữ lửa, duy trì cho cho bể lửa thêm sáng, thêm ấm và tô đậm thêm tính nhân văn vốn có…. Ngày sau, ngày sau nữa, là ngày của chúng ta…
Có câu “Ăn quả phải nhớ kẻ vun cây”
Vậy “Ai vun?”- Là họ… và sẽ là bất cứ ai trong chúng ta…
Họ truyền tai nhau, chuyền tay nhau nhiệt huyết. Là những người trong một gia đình, dòng họ, là xóm giềng với nhau, là người sinh sống tại Nghĩa Trung lẫn miền xa. Từ bác nông cần cù đến thương nhân lớn nhỏ, từ nhà giáo ưu tú đến bác sĩ tận tâm… Chỉ đơn giản họ có điểm tương đồng, cùng là người Nghĩa Trung. Không những thế có những người chưa từng đặt chân đến Nghĩa Trung, họ có thể chỉ là đồng nghiệp của người Nghĩa Trung, biết đến và muốn tham gia. Còn có những người quê tỉnh khác, tưởng như không có mắc xích nào trong sợi dây gắn kết, nhưng lại đồng hành từ những ngày đầu tiên. Thậm chí những sinh viên đã đồng hành cùng chương trình mùa trước với tư cách là “người nhận” nhưng năm sau vai trò lại hoán đổi, tên của họ được xướng lên trong danh sách Quý mạnh thường quân. Họ là những trái ngọt đầu tiên về lan toả nhân văn, cũng là một phần động lực để lớp sinh viên sau này nhìn theo và phấn đấu,…Họ mang đến, là hương, là hoa, là dòng suối mát trong hình thành nhân cách của một phần lớn thế hệ
Hình thức là tiền vật, hay hiện vật như tranh ảnh, hay địa điểm khang trang để tổ chức họp mặt, hay những món ăn mang đậm hương vị quê nhà,… Muôn màu muôn vẻ
Thành phần gắn kết không thể không nhắc đến là Ban liên lạc,với những con người nếu ai đã từng gắn bó thì hẳn không thể quên.
Có những cái tên không mấy xa lạ mà đến đây chắc ai cũng tự nhẩm được một vài. Những cái tên ấy dần dà đã không còn quen thuộc với riêng mỗi những người trực tiếp trải nghiệm, chậm chí đã được đem vào câu chuyện của những ngóc ngách thôn quê, họ chuyền tai nhau, chuyền đến bạn bè các nơi xa như một niềm tự hào quê hương. Đó câu chuyện về những người gầy dựng nên một thông lệ, một lâu đài lan toả nhân ái…
Nam Cao viết rằng..
“Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? … Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất…”
Nhưng Nam Cao không biết rằng, đời còn lắm ngoại lệ. Người ta ở đây chưa hẳn “không đau” nhưng họ lại nghĩ được đến “cái chân đau của người khác”. Cơm áo gạo tiền, bao nhiêu gánh nặng hằng lên nét mặt, ai cũng như ai, nào ai khác biệt… Cảm tạ vì cuộc đời còn tươi đẹp lắm, dân mình chân chất và chân thành biết nhường nào.
“Nàng thơ” muốn phổng phao xinh đẹp còn cần sự kết hợp của nhiều nhân tố. Một cộng đồng được sinh ra cần có lửa nhiệt huyết để duy trì. Và tự bao giờ, vô hình có sợ chỉ đỏ gắn kết người và người với nhau cùng nhau nuôi lớn đứa con tinh thần. Nàng được chăm chút từng tí một, từ nội dung đến hình thức để ngày càng hoàn thiện. Bên cạnh vật lực, những người đóng góp tài lực nhân lực cũng là những người không thể thiếu. Họ bỏ ra hằng ngày, hằng giờ, bằng tất cả nhiệt huyết và tấm lòng, họ mang đến những bộ xiêm y lộng lẫy cho đứa con chung. Đó là những bài ca, là tiếng hát, là những sân khấu rực rỡ,…cho ngày hội họp
Từ người bỏ thời gian để ngồi nói chuyện, truyền đạt kinh nghiệm, đến người tạm gác công việc mưu sinh để trả lời mail, hay những người bỏ công ra đọc , nâng lên hạ xuống từng bài thi ngay cả khi ngoài kia chỉ còn “tiếng rao xôi cút”…. Họ- ai cũng có cuộc sống riêng, bận rộn bốn bề.
Họ càng đáng được nhắc đến. Bởi riêng bản thân tôi rất muốn tham gia góp chút sức nhưng lực bất tòng tâm, mùa thi cử,sáng bệnh viện, chiều giảng đường, tối về ôm sách mơ màng… Người ta cũng bằng xương bằng thịt như mình nhưng người ta làm được. Câu hỏi là :Tại sao?
Với tôi, nhiệt huyết ư? Tự tin rằng tôi có!
Nhưng có lẽ mọi thứ vẫn chưa đến nơi, tôi không muốn thoái thác cho thời gian biểu của mình… Đành đặt đây một dấu “!”
Nhiêu đó đủ để thấy những người làm được điều đó thật sự rất đáng trân trọng.
Đi cùng chương trình cũng nhiều năm rồi, từ mùa thứ tư, nhưng cũng có năm tôi không tham gia. Nhưng bước chân của những chương trình mà mọi người tham gia tôi đều theo dõi. Theo dõi, và tôi thèm… Thèm được cảm giác gặp lại những người xưa cũ, những người gợi nhớ cho tôi bao nhiêu hồi ức đẹp, muốn xem bạn bè, anh chị thay đổi sao, các em giờ lớn thế nào rồi,các cô chú vẫn khoẻ chứ? Ngoài quê mình có thêm con đường mới nào không? …
Đôi lúc tôi thấy mình vướng nợ. Nợ ở đây-vật chất không đong đếm được. Mà là nợ ân tình…
Thầy của tôi từng nói một câu khiến tôi tâm đắc
“ Nợ gì cũng được, nợ ân tình khó trả lắm, nợ ân tình phải trả bằng ân tình”.
Nó vô hình chung trở thành một phần trong quá trình hình thành quan điểm và cách sống của tôi những năm sau này. “Tôi là ai? Tôi đã làm gì để nhận được những thành quả của người khác mà đến bản thân cũng không biết họ đã trải qua bao thăng trầm, biến cố, đổ bao mồ hôi nước mắt mới có được?” – Tôi không biết, tôi thật sự không biết nhiều về họ, ngoài những cái tên rất quen. Họ cũng vậy, họ cũng không biết tôi là ai. Đối với họ, tôi đơn giản chỉ là một học sinh, một sinh viên, là hậu bối, đơn giản là tôi là người Nghĩa Trung. Điều “đơn giản”, “đơn giản” đến to lớn như vậy đó!
Nhưng năm nay, tôi vứt hết những câu hỏi ấy sau đầu. Có lẽ một phần chủ đề của năm nay đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ. Đã đến lúc nói gì đó và đặt cho mình một dấu phẩy, xoá bỏ phức hợp chấm hỏi-chấm than trước kia đi. Để sau này tôi và những thế hệ sau có thể viết tiếp đoạn cuối câu sau dấu phẩy. Đó phải là một vế câu có ý nghĩa cho đời. Giống như người đi trước đã từng làm… Tôi muốn cống hiến, sống như những đoá hoa… Những đoá hoa khoe sắc, ngát hương, dù là ngào nhạt như hoa sữa tháng sáu ,loài quỳnh nở về đêm. Hay chỉ thoang thoảng như hoa hồng đỏ thắm. Hồng ta không chỉ đẹp hình thức mà khi ghé sát vào thì mùi hương đê mê, ngọt ngào lan toả, như tình yêu lứa đôi… Đẹp cả tâm hồn.
Vẫn nhớ,lần đầu tiên tôi biết đến những hoạt động của xã là thông qua những cuốn tập bìa dày, đủ chất đủ lượng mà hằn lên trang đầu cuốn tập là dấu mộc đỏ tên Bùi Tá Ba.Ngày ấy tôi nào được có cuốn tập dày như vậy, tôi chỉ dùng những cuốn vở đảm bảo lượng đã đủ làm tôi hạnh phúc rồi, còn chất tôi không có yêu cầu gì cả. Vì với tôi, vở rất mau hết, nhà bốn anh chị em đi học, ba mẹ tôi đã tảo tần vất vả lắm rồi. Ba mẹ có thể cho con cuốn vở tốt nhất, tốt như của bạn cùng lứa hay hơn thế nữa nhưng quan trọng là con không có mơ ước ấy. Con chỉ cất nó trong suy nghĩ để sau này hồi tưởng lại, con lại thấy thương ba mẹ hơn… “Mà ba mẹ ơi, ba mẹ đừng lo, con cũng đã được nhận rồi đấy! Đó là món quà của các mạnh thường quân ở xã mình, thành quả của sực cố gắng học tập của con, là những phần thưởng con đã dùng nỗ lực của mình để có được . Nó thật sự khác biệt so với những những cuốn tập trong phần thưởng của trường. Tính ra thì những cuốn tập đó với con có ý nghĩa hơn hẳn những cuốn tập giấy dày khác được mua ngoài quán. Bởi nó dày từ bìa, từ từng trang giấy, đến dày công, dày tình người…”
Những lần sau đó là lúc tôi đậu Tư Nghĩa 1 với số điểm đầu vào hạng cao của trường Nghĩa Trung. Nhớ lần ấy tôi đã nhận được một số tiền và tôi đã biến nó thành chiếc đèn bàn đồng hành cùng tôi trong ba năm cấp ba để tôi có đủ khả năng bước vào ngôi trường đại học tôi mơ ước. Nó cũng theo tôi Nam tiến và cùng tôi bầu bạn ba năm sau đó nữa. Phần quà của chương trình học bổng đã đổi lại tiếng cười khúc khích của đứa cháu khi xuân về. Cười tít mắt khi diện trên mình chiếc áo mới tươm cô Bốn đi học xa, và đổi được cả cái mỉm cười của ba mẹ tôi… Phần quà cũng đã trở thành chiếc ống nghe đi cùng tôi bao nhiêu bệnh viện, nghe tiếng con tim đập rộn ràng, nghe tiếng thở nhịp nhàng của yêu thương, nghe âm réo rắt như nước chảy của tiếng lòng,… Nghe giai điệu của quê hương…
“…Cho em xin giấc mơ hiền
Để cho những nỗi ưu phiền trôi qua
Cho em xin giấc mộng hoa
Bình yên lối bước an hoà đời tươi…”
Một giấc mơ hiền, một bước bình yên… Lời muốn nói chắc hẳn đã đầy trang giấy, nhưng có lẽ với tôi thế vẫn chưa đủ. Có những thứ mang lại ý nghĩa không thể trọn vẹn hơn. Bởi ý nghĩa đã lớn lao và đủ đầy. Cảm ơn cuộc đời!!!… Cảm ơn Quý mạnh thường quân- những con người thầm lặng!
Nguyễn Thị Minh Kha